Trải qua 123 năm lịch sử và nằm vắt qua 3 thế kỷ, cầu Mống được xem là “chứng nhân lịch sử” về quá trình phát triển của thành phố.
Theo nguyên bản ngày xưa, cầu Móng được dùng cho cả người đi bộ và xe cơ giới. Hiện nay, phía cầu có hai đường dẫn, một đầu để đi lên cầu sang đường Bến Vân Đồn (Quận 4) và đầu còn lại xuống đại lộ Võ Văn Kiệt (Quận 1). Cầu được bảo tồn và phục dựng vừa dành cho người đi bộ, vừa phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. |
Được bắc qua kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, cầu Mống nối liền đôi bờ Quận 1 và Quận 4 và là một trong những cây cầu cổ xưa nhất ở đất Sài Gòn.
Cầu Mống do Hãng vận tải Hải Dương Messageries Maritimes (Pháp) tiến hành xây dựng từ cuối thế kỷ XIX từ năm 1893 đến năm 1894 thì hoàn thành với chức năng vận tải hàng hóa, tạo sự thuận lợi lưu thông giữa Sài Gòn và vùng Khánh Hội.
Theo thông tin từ các văn bản lịch sử, cầu Mống do Công ty Levallois Perret (Công ty Eiffel tại Sài Gòn) đảm trách thực hiện theo kỹ thuật Eiffel.
Khi mới xây dựng, công trình này được gọi là cầu Vận tải Hải Dương (lấy theo tên của Hãng vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes).
Cầu Mống có thể được gọi chệch từ tên gọi “cầu Móng”, do là một trong những cây cầu có móng đầu tiên được xây dựng ở Sài Gòn.
Kết cấu ban đầu cầu chỉ có một nhịp, dạng vòm nên phần chịu lực dồn về hai mố cầu. Mặt cầu bằng sắt. Hai đầu cầu có đường dẫn và cầu thang bộ đi lên cầu.
Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông – Tây và Đường hầm sông Sài Gòn vào những năm 2000, cầu Mống đã được tháo dỡ hoàn toàn.
Sau khi các công trình này hoàn tất, cầu Mống được lắp ghép lại theo nguyên bản. Sau đó, cầu được sơn lại thành màu xanh ngọc bích để bảo tồn và vừa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đôi bờ, vừa phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Có lẽ, khi nhìn thấy cầu được sơn mới bằng màu xanh, người dân và số đông là bạn trẻ đến tham quan vẫn quen gọi là “cầu xanh”.
Ngày 19/11/2015, cầu Mống được TP.HCM trao bằng xếp hạng là một trong 10 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh. Cầu dài 128m, rộng 5,2m và lề bộ hành 0,5m.
Vào mỗi sáng sớm và buổi chiều, cầu Mống thu hút hơn trăm người đến đây để tập thể dục, vui chơi, chụp ảnh. Đây là điểm đến được nhiều bạn trẻ và những đôi lứa yêu nhau lựa chọn để cùng hàn thuyên, trò chuyện dưới làn gió mát lạnh từ sông Sài Gòn thổi vào, hay đơn giản là tay trong tay ngắm hoàng hôn buông xuống, tận hưởng nhịp sống yên ả giữa Sài Gòn náo nhiệt….